Đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản trên thế giới. Hiện nay các nước nhập khẩu không những có yêu cầu chặt chẽ về mã số vùng trồng đối với nông sản nhập khẩu mà còn cả mã số nhà xưởng đóng gói nông sản.
Theo đó, để được cấp mã số cơ sở đóng gói nhằm mục đích xuất khẩu, các yêu cầu về xây dựng cơ sở đóng gói mà doanh nghiệp cần đáp ứng như sau:
Yêu cầu cơ sở:
- Cơ sở đóng gói phải có địa điểm, diện tích phù hợp đảm bảo cho việc tiếp nhận, phân loại, sơ chế và đóng gói sản phẩm.
- Cơ sở đóng gói phải có nguồn nước sạch, nguồn cung cấp điện đảm bảo, có hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải theo đúng quy định về bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo đúng quy định.
- Cơ sở đóng gói phải được thiết kế và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ cho việc tiếp nhận, phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói nông sản theo nguyên tắc một chiều, phân khu riêng và có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo.
- Cơ sở đóng gói phải cung cấp trang thiết bị bảo hộ cho công nhân làm việc như: gang tay, ủng, mũ nón, khẩu trang hoặc kính chống giọt bắn, áo bảo hộ lao động.
- Thiết bị của cơ sở đóng gói phải được được hiệu chỉnh định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc ít nhất 1 năm 1 lần theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Các loại hoá chất sử dụng trong quá trình sơ chế, bảo quản và đóng gói phải nằm trong danh mục được phép sử dụng, sử dụng đúng theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.
- Bao bì được sử dụng cho việc đóng gói phải được làm từ nguyên liệu an toàn, đảm bảo không nhiễm các chất độc hại, mùi lạ và sạch sẽ. Kích thước, vật liệu và thông tin trên bao bì đóng gói đáp ứng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
- Trên mỗi hộp đóng gói phải được ghi rõ bằng tiếng Anh với tên loại quả, quốc gia, nơi xuất xứ, vườn cây ăn quả hoặc số đăng ký, nhà đóng gói hoặc số đăng ký của nó…
Yêu cầu về hồ sơ:
- Cơ sở đóng gói cần xây dựng, lưu giữ và cập nhật thường xuyên các loại hồ sơ chủ yếu sau:
- Quy trình đóng gói mô tả chi tiết tất cả các hoạt động liên quan đến việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và đóng gói nông sản.
- Có bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và quy trình đóng gói đảm bảo tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát sinh vật gây hại.
- Hồ sơ nguồn gốc nông sản: phải được ghi chép đầy đủ, thường xuyên các thông tin liên quan đến khối lượng của lô hàng, vùng trồng, mã số vùng trồng, thông tin khách hàng và đơn vị xuất khẩu.
- Hồ sơ kiểm soát sinh vật gây hại: phải có quy trình kiểm soát sinh vật gây hại và ghi chép thường xuyên thời gian kiểm tra, danh sách sinh vật gây hại phát hiện được, số lượng cá thể phát hiện, biện pháp xử lý, tần suất đặt bẫy và hoá chất sử dụng tại cơ sở đóng gói. Trường hợp sử dụng dịch vụ của các đơn vị khử trùng thì phải lưu lại hồ sơ của từng lần xử lý.
- Hồ sơ vệ sinh, bảo vệ môi trường: cần ghi chép đầy đủ thời gian, khu vực, người thực hiện, hóa chất sử dụng tại cơ sở đóng gói; biện pháp quản lý chất thải và hợp đồng xử lý chất thải (nếu có).
- Hồ sơ nhân sự: có danh sách cán bộ, công nhân làm việc tại cơ sở đóng gói và được khám sức khỏe định kỳ.