Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) giữa Việt Nam và EU là gì?
- Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU.
- VPA là một trong những công cụ quan trong trong Kế hoạch hành động về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) của EU năm 2003. Đến giữa năm 2016, đã có 15 quốc gia đang đàm phán hoặc đang thực thi VPA với EU.
- Việt Nam và EU bắt đầu đàm phán VPA năm 2010.
- Ngày 11/05/2017, Việt Nam và EU ký tắt VPA. Việc ký tắt này đánh dấu việc chính thức kết thúc đàm phán giữa hai bên. Hai bên hiện nay đang tiến hành xem xét về mặt pháp lý các nội dung đàm phán và sau đó sẽ dịch ra tiếng Việt và các ngôn ngữ khác của các nước EU. Trước khi hiệp định có hiệu lực, mỗi bên sẽ tiến hành các thủ tục ký kết và phê duyệt hiệp định theo trình tự và thủ tục nội bộ của hai phía.
Nhập khẩu và xuất khẩu
1. Tôi sản xuất các sản phẩm gỗ cao su từ gỗ rừng trồng và đó là sản phẩm phụ. Tôi có cần hồ sơ không?
Có. Nếu bạn là một nhà sản xuất sản phẩm gỗ ở châu Âu và bạn nhập khẩu những sản phẩm gỗ này vào thị trường EU lần đầu tiên – cho dù sản phẩm đó có xuất xứ từ rừng trồng hay rừng tự nhiên – bạn có nghĩa vụ thực hiện hệ thống trách nhiệm giải trình để ngăn chặn gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp nhập khẩu vào EU.
Nếu gỗ bạn mua có xuất xứ từ một quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với EU, và đó là gỗ cao su khai thác từ rừng trồng thuộc Phụ lục 1 (danh mục các sản phẩm cần có giấy phép FLEGT) trong VPA của quốc gia đó, thì số gỗ đó phải có giấy phép FLEGT hợp lệ. Đây là trường hợp khi một quốc gia đã công bố vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quốc gia đó đã bắt đầu cấp giấy phép FLEGT.
2. FLEGT có liên quan đối với một công ty Pháp mua gỗ nhập khẩu từ Canada không? Hoặc, ngay cả nếu không liên quan, thì Quy chế của EU về Gỗ có liên quan đến công ty này không?
Có. Thông thường, các nhà nhập khẩu là các doanh nghiệp lần đầu tiên nhập khẩu gỗ vào thị trường EU, và vì vậy Quy chế của EU về Gỗ sẽ áp dụng đối với họ sau ngày 03 tháng 3 năm 2013. Quy chế của EU về Gỗ là một trong những biện pháp của Kế hoạch Hành động FLEGT của EU đã được công bố năm 2003. Kế hoạch Hành động FLEGT có các nội dung khác nhau nhằm mục đích giải quyết những nguyên nhân cơ bản của tình trạng khai thác gỗ trái phép. Một biện pháp khác là thiết lập các hiệp định song phương giữa EU và các quốc gia đối tác, được gọi là Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA). Các quốc gia đối tác ký kết VPA cam kết thiết lập một hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Hệ thống này được thiết kế để đảm bảo tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU đều có nguồn gốc hợp pháp, nếu sản phẩm gỗ đó được liệt kê trong Phụ lục 1 của VPA (danh mục các sản phẩm phải có giấy phép FLEGT). Gỗ xuất khẩu từ các quốc gia này phải được đi kèm với giấy phép FLEGT. Theo Quy chế của EU về Gỗ, gỗ có giấy phép FLEGT được xem là gỗ không có rủi ro và các doanh nghiệp nhập khẩu không cần phải thực hiện thêm các biện pháp về trách nhiệm giải trình.
Hiện nay, Canada chưa ký kết VPA với EU. Vì vậy, sau ngày 03 tháng 3 năm 2013, công ty Pháp sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Canada.
3. Tôi có thể xuất khẩu sang EU sau tháng 3 năm 2013 không?
Quy chế của EU về Gỗ không cấm hoặc cản trở thương mại sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, vì các doanh nghiệp EU không được phép nhập khẩu gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường EU và phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo rằng gỗ của họ là hợp pháp. Doanh nghiệp nhập khẩu phải yêu cầu các nhà cung cấp của mình đưa ra đầy đủ thông tin và tài liệu đảm bảo gỗ hợp pháp.
Nếu một doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình kết luận rằng một trong các nguồn gỗ của họ có thể tạo ra một rủi ro ‘không nhỏ’, thì doanh nghiệp đó phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro.Các biện pháp để giảm thiểu các rủi ro có thể rất đa dạng từ việc thay đổi nguồn cung đến yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu hoặc chứng chỉ để đáp ứng được các yêu cầu kiểm chứng độc lập của bên thứ ba hoặc một tiêu chuẩn chứng chỉ phù hợp với các quy định hiện hành tại quốc gia khai thác gỗ, theo
yêu cầu của Quy chế của EU về Gỗ.
Trách nhiệm giải trình, chứng chỉ rừng và thực thi Quy chế của EU về Gỗ
1. Quy chế của EU về Gỗ có giống như chứng chỉ rừng của Hội đồng Quản trị Rừng (FSC) hoặc Chương trình Chứng chỉ Rừng của Châu Âu (PEFC) không?
Không. Quy chế của EU về Gỗ là một văn bản pháp lý của Liên minh châu Âu trong đó áp dụng quy định cấm nhập khẩu gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường EU. Quy chế của EU về Gỗ đặt ra các thủ tục bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh gỗ ở EU nhằm giảm thiểu nguy cơ buôn bán gỗ bất hợp pháp. Quy chế này áp dụng cho cả gỗ nhập khẩu và gỗ sản xuất trong nước. Quy chế này điều chỉnh hoạt động thương mại sản phẩm gỗ trên thị trường EU và bao gồm hầu hết các sản phẩm gỗ được giao dịch phổ biến. Các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh gỗ liên quan bắt buộc phải tuân thủ quy định này.
Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) và Chương trình Chứng chỉ Rừng Châu Âu (PEFC) là hai trong số các Chương trình tự nguyện hiện có mà các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gỗ có thể lựa chọn để xin cấp chứng chỉ quản lý rừng và chuỗi hành trình sản phẩm. Những tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở những kiến thức hiện có và các phương thức thực hành tốt nhất về quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Các quốc gia có thể lựa chọn xin cấp chứng chỉ cho những diện tích rừng của nhà nước theo những tiêu chuẩn này hoặc những tiêu chuẩn khác hiện có hoặc áp dụng những tiêu chuẩn này cho quy trình mua sắm công. Tuy nhiên, chính phủ không quản lý hệ thống này và cũng không tham gia vào quá trình đánh giá hoặc ra quyết định liên quan đến việc cấp chứng chỉ do bên thứ 3 kiểm chứng.
2. Để thực hiện đúng trách nhiệm giải trình, doanh nghiệp có thể nhận được bộ quy tắc ở đâu? Họ có thể tự xây dựng hay họ nên thuê ai đó xây dựng?
Ngành “công nghiệp” gỗ ở đây ý nói đến một doanh nghiệp, một tổ chức hoặc một cá nhân sản xuất gỗ ở EU hoặc nhập khẩu gỗ vào EU và lần đầu tiên buôn bán gỗ trên thị trường. Theo Quy chế của EU về Gỗ, cá nhân hoặc tổ chức đó được gọi là “doanh nghiệp” và phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Để thực hiện theo các yêu cầu, phương pháp giải trình của doanh nghiệp phải bao gồm ba yếu tố liên quan đến quản lý rủi ro:
- Tiếp cận thông tin
- Đánh giá rủi ro
- Giảm thiểu những rủi ro đã được xác định
Từng doanh nghiệp, trên cơ sở năng lực, nguồn lực và hiểu biết của mình phải tự quyết định liệu họ sẽ thiết kế một hệ thống trách nhiệm giải trình riêng của mình hoặc thuê công ty tư vấn thiết kế, hoặc thực hiện theo hệ thống của một tổ chức giám sát. Quy chế của EU về Gỗ không đưa ra quy định bắt buộc áp dụng một phương pháp tiếp cận nào cả. Nỗ lực cần thiết để xây dựng một hệ thống sẽ phụ thuộc vào sự phức tạp của chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Ngành công nghiệp” cũng có thể là một doanh nghiệp, một tổ chức hoặc một cá nhân mua hoặc bán gỗ hoặc sản phẩm gỗ lần thứ hai, thứ ba hoặc những lần tiếp theo ở EU. Cá nhân hoặc tổ chức đó được coi như một “doanh nghiệp”. Bất kỳ doanh nghiệp thương mại hoặc nhà bán lẻ nào tham gia các hoạt động mua hoặc bán đều phải xác định được:
- Gỗ hoặc sản phẩm gỗ mua từ ai; và
- Gỗ hoặc sản phẩm gỗ bán cho ai.
Thông tin này phải được lưu giữ ít nhất là 5 năm và phải sẵn có để kiểm tra khi có yêu cầu.
3. Tiêu chuẩn chứng chỉ nào là tốt nhất để đảm bảo chúng ta có thể tiếp tục xuất khẩu sản phẩm sang EU?
Việc chấp nhận một tiêu chuẩn chứng chỉ như là bằng chứng về tính hợp pháp để tuân thủ các yêu cầu của Quy chế của EU về Gỗ là một quyết định mà khách hàng của bạn ở EU – doanh nghiệp lần đầu tiên nhập khẩu gỗ vào thị trường EU – phải đưa ra sau khi đánh giá kỹ lưỡng độ tin cậy của một hệ thống kiểm chứng của bên thứ ba theo yêu cầu của Quy chế của EU về Gỗ và Quy chế thực hiện của Ủy ban; trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp.
Theo:euflegt.efi.int