Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 (trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 170).
Trong đó điểm nổi bật nhất là Luật BVMT 2020 với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Quy định này chỉ rõ chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, gồm: Giảm TTHC cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Vậy những đối tượng nào thuộc nhóm I và họ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm những nội dung gì, hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu.
Các đối tượng thuộc dự án đầu tư nhóm I
Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:
1. Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
2. Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
3. Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
4. Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
5. Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
6. Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
Nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường
1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I đã nêu trên.
2. Thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng.
3. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm:
- Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác có liên quan.
- Nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án.
- Nhận diện yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm (nếu có).
- Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.
- Xác định các vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất dự án đầu tư thuộc nhóm I thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
ISO 14001 Là một tiêu chuẩn cho hệ thống quản lý môi trường. Được ban hành nhằm hỗ trợ cho các tổ chức giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn cầu.Việc cải cách này rất quan trọng và khiến cho các yêu cầu về nghĩa vụ tuân thủ theo ISO 14001 sẽ có những thay đổi theo mà các cơ quan, doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng ISO 14001 cần chú ý và cập nhật kịp thời.