Thanh long Việt Nam là một trong những mặt hàng nông sản đầu tiên được phép xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Và khoai lang là loại nông sản thứ 12 dự kiến xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.
Liên quan đến thủ tục xuất khẩu chính ngạch thanh long đi Trung Quốc, ngoài đăng ký cấp mã số vùng trồng thanh long, thì cơ sở đóng gói thanh long cũng phải được cấp mã số cơ sở theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Vậy làm thế nào để đăng ký thiết lập mã số cơ sở đóng gói thanh long? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mã số cơ sở đóng gói thanh long là gì?
Mã số cơ sở đóng gói (PHC – Packing House Code) thanh long là mã số định danh cho một cơ sở đóng gói thanh long sau thu hoạch.
Cơ sở đóng gói sẽ là nơi tập kết của thanh long. Tất cả các quá trình từ phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói đều được thực hiện tại đây và thực hiện theo quy trình phù hợp với yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và được cả MARD và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.
5 yêu cầu thiết lập cơ sở đóng gói thanh long
#1. Yêu cầu chung:
- Cơ sở đóng gói cần đáp ứng đủ nguồn nước sạch, nguồn cung cấp điện, có hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định.
- Cơ sở đóng gói bố trí đủ cơ sở vật chất cho việc nhận, phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói nông sản theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo.
- Cơ sở đóng gói phải có đủ trang thiết bị và phải được bảo quản và hiệu chỉnh định kỳ theo quy định của nước nhập khẩu.
- Các loại hóa chất sử dụng trong quá trình sơ chế, bảo quản và đóng gói phải nằm trong danh mục được phép sử dụng, sử dụng đúng theo quy định của Việt Nam và nước xuất khẩu.
- Bao bì, nguyên liệu dùng trong đóng gói phải sạch sẽ. Kích thước và thông tin trên bao bì đóng gói đáp ứng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
- Pallet hay các vật liệu đóng gói bằng gỗ dùng trong đóng gói xuất khẩu phải được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISPM 15.
- Có đầy đủ hồ sơ ghi chép, sổ sách đầy đủ đảm bảo truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm.
- Trường hợp có thay đổi về quy mô, người đại diện/chủ sở hữu, cấu trúc cơ sở đóng gói; người đại diện/chủ sở hữu phải cập nhật, báo cáo cho Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xác minh lại thông tin và b áo cho Cục Bảo vệ thực vật.
#2. Yêu cầu về hồ sơ
Cơ sở đóng gói cần xây dựng, lưu giữ và cập nhật định kỳ các loại hồ sơ chủ yếu sau:
- Quy trình đóng gói mô tả tất cả các chi tiết liên quan đến việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và đóng gói nông sản.
- Hồ sơ nguồn gốc nông sản: khối lượng, mã số vùng trồng, thông tin khách hàng hoặc đơn vị xuất khẩu.
- Hồ sơ kiểm soát vi sinh vật gây hại: Ghi chép thường xuyên thời gian kiểm tra, danh sách sinh vật gây hại phát hiện được, số lượng cá thể phát hiện, địa điểm phát hiện, hóa chất sử dụng và tần suất đặt bẫy/mồi.
- Hồ sơ theo dõi vệ sinh cơ sở đóng gói: cần ghi chép đầy đủ thời gian, khu vực, người thực hiện, hóa chất sử dụng và biện pháp quản lý chất thải.
- Các hồ sơ liên quan khác: hồ sơ nhân sự, hồ sơ tập huấn nội bộ, hồ sơ bảo vệ môi trường, hồ sơ phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật (nếu có).
#3. Yêu cầu về nhân sự
- Đủ sức khỏe.
- Có kiến thức về quy trình đóng gói đang được áp dụng tại cơ sở đóng gói.
- Có khả năng nhận diện các sinh vật gây hại.
#4. Yêu cầu về quản lý và kiểm soát sinh vật gây hại
- Phải có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại có khả năng đi theo và tái nhiễm vào nông sản xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu hoặc hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên môn ở địa phương.
- Thanh long phải được thu hoạch từ vùng đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số.
#5. Yêu cầu khác
- Tuân thủ theo các yêu cầu cụ thể khác của nước nhập khẩu.
Tư vấn thủ tục cấp mã số cơ sở đóng gói thanh long
Bước 1: Đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói thanh long
- Cơ sở gửi tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói và các thông tin cần thiết về Chi cục BVTV hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tại nơi đặt cơ sở đóng gói.
Bước 2: Khảo sát cơ sở đóng gói
- Chuyên gia Chi cục BVTV hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ đến trực tiếp khảo sát tại cơ sở đóng gói, đưa ra các góp ý cho cơ sở đáp ứng quy định về thiết lập cơ sở đóng gói.
- Hỗ trợ khắc phục các nội dung chưa phù hợp.
Bước 3: Phê duyệt cấp mã số cơ sở đóng gói
- Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành thẩm định và cấp mã số cho cơ sở đóng gói đạt yêu cầu, và gửi thông tin chi tiết mã số đã cấp cho nước nhập khẩu.
- Sau khi nước nhập khẩu phê duyệt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi Cục BVTV hoặc Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh để quản lý và giám sát cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Bước 4: Bàn giao mã số cơ sở đóng gói
- Sau khi Chi cục BVTV hoặc Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh nhận được thông báo, sẽ thực hiện gửi thông báo về cho cơ sở đã được cấp mã số cơ sở đóng gói.
- Chi cục BVTV hoặc Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phụ trách đánh giá giám sát định kỳ tại cơ sở đóng gói.
Hoạt động giám sát sau cấp mã số cơ sở đóng gói:
- Tự giám sát: do cơ sở đóng gói thực hiện. Cơ sở phải thường xuyên tổ chức tự giám sát và duy trình theo các tiêu chí thiết lập cơ sở đóng gói.
- Giám sát định kỳ: do Chi cục BVTV hoặc Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thực hiện. Sẽ có thông báo về cho cơ sở trước khi đánh giá giám sát định kỳ.
- Kiểm tra đột xuất: do Cục BVTV thực hiện.
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn đọc có thể hiểu được mã số cơ sở đóng gói thanh long là gì. Các bước tiến hành đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói được thực hiện như thế nào. Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay Chất Lượng Việt nhé!