EVFTA: Động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững

Thông qua EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện về năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản gắng với chuổi giá trị toàn cầu.

Nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt chuẩn

Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường EU với mức thuế ưu đãi. Điều kiện để sản phẩm được xuất sang thị trường EU thì các sản phẩm đều bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn GlobalGAP; các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP)…

Trong lĩnh vực thủy sản, EVFTA có hiệu lực đã đưa thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU như tôm nguyên liệu đông lạnh giảm từ mức 12 đến 20% xuống còn 0%. Tính chung, đơn hàng tôm tháng 8/2020 của Việt Nam – chỉ một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực – đã tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019).

Không chỉ nông sản, thủy sản, EVFTA cũng tác động mạnh đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong những năm qua là các sản phẩm gỗ. Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gỗ phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng nhưng một số doanh nghiệp vẫn ổn định nhờ chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.

Xem thêm: 13 bước xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Chuẩn hóa quy trình sản xuất

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và nông sản chế biến mà thị trường EU có nhu cầu cao. Ngoài ra, thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được cải thiện về năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU sản phẩm đồ gỗ tinh chế nội thất, ngoại thất có giá trị gia tăng cao. Với cam kết EVFTA, mặc dù xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này không thể gia tăng đột biến nhưng hoàn toàn có thể hy vọng trị giá sẽ tăng lên, do đó sẽ thu về lợi nhuận lớn hơn. Khi thực thi hiệp định, có tới hơn 3.000 doanh nghiệp gỗ; 324 làng nghề có kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ và 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng có cơ hội phát triển sản phẩm chất lượng vượt trội và nâng cao thu nhập của mình. Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 253 mặt hàng gỗ vào EU với kim ngạch hơn 500 triệu USD.

Tham khảo:Hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O) trong EVFTA

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định: EVFTA là “cơ hội vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam bởi trước hết, nó sẽ làm tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước lân cận nhờ hưởng mức thuế suất ưu đãi vào EU. Từ đó doanh nghiệp tiếp cận những thị trường, khách hàng tiềm năng chưa được khai thác. Tiếp đến là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng theo tiêu chuẩn EU. 

Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu nông sản cộng với dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến giao thương giữa các quốc gia trên thế giới, sự mở cửa của thị trường EU đã mang đến cơ hội vàng cho các ngành hàng nông nghiệp nước ta khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng.
Nguồn: vietq

Tin tức liên quan

0901981789