Mã số vùng trồng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Yêu cầu chung về mã số vùng trồng
Việc thiết lập các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu/tiêu thụ nội địa về thành phần sinh vật gây hại (vùng trồng không có nguy cơ/mức nguy cơ thấp về sinh vật gây hại) và vệ sinh an toàn thực phẩm (hoạt chất cấm, dư lượng thuốc bvtv, phân bón…). Theo đó, các tổ chức cá nhân (xuất khẩu/tiêu thụ nội địa) cần đăng ký mã số vùng trồng với cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO), NPPO sẽ tiến hành kiểm tra, cấp và giám sát mã số vùng trồng đối với các vùng trồng đủ tiêu chuẩn.
Các vùng trồng được cấp mã số sẽ được giám sát kiểm tra định kỳ để đáp ứng được yêu cầu của vùng trồng phục vụ khẩu/tiêu thụ nội địa; các vùng trồng không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp.
Trình tự cấp mã số vùng trồng
1. Khảo sát thực địa
Diện tích vùng trồng và điều kiện canh tác trong vùng xin cấp mã số vùng trồng
- Đối với vùng trồng cây ăn quả, diện tích từ 5 – 12 ha/mã số. Diện tích tối thiểu 5 ha/mã số.
- Đối với vùng trồng rau, hoa màu: diện tích tối thiểu 500 m2/mã số.
- Vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại, áo dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
- Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng.
- Vùng trồng xin cấp mã số chỉ trồng duy nhất 1 giống cây trồng. Không trồng xen các loại cây trồng khác hoặc các cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây trồng là ký chủ của các loài dịch hại là đối được KDTV của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).
2. Sổ sách ghi chép
Mỗi hộ trong vùng trồng được đăng ký cấp mã số phải có sổ sách để ghi chép đầy đủ mọi tác tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác (nhật ký đồng ruộng).
Sổ sách ghi chép phải đầy đủ, rõ ràng phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi phát hiện việc không tuân thủ các tiêu chí như dư lượng thuốc BVTV, sinh vật gâyhại đi theo,…).
Tham khảo: Hồ sơ cấp mã số vùng trồng
3. Yêu cầu về vệ sinh đồng ruộng
Vùng trồng cây xin cấp mã số phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, bao bì, chai lọ, túi nilon đựng thuốc BVTV hoặc phân bón.
Phải có bể chứa để tập kết bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón và có giải pháp để tiêu hủy.
4. Yêu cầu về vi sinh vật hây hại trong vùng trồng
Vùng trồng được cấp mã phải có biện pháp quản lý để đảm bảo không có sinh vật gây hại là đối tượng KDTV của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).
Tổ chức, cá nhân xin cấp mã áp dụng các biện pháp quản lý và phòng trừ dịch hại để hạn chế sinh vật gây hại thông thường.
5. Yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng
Vùng trồng xin cấp mã số chỉ sử dụng thuốc BVTV theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tuân thủ quy định về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và 5 phải (tại khoản 3 điều 4 trong luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
6. Xác định vị trí vùng trồng
Tiến hành xác định tọa độ (GPS) của vùng trồng xin cấp mã số (theo trích lục bản đồ). Lấy định vị GPS tại vị trí trung tâm của khu vực sản xuất và 4 điểm tọa độ ở các góc của vùng trồng (sao cho các điểm tọa độ bao quanh vùng trồng), vị trí các điểm tọa độ tùy theo hình dạng của vùng trồng .
7. Điều tra lấy mẫu
Cục Bảo vệ thực vật tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại trên vùng trồng xin cấp mã (theo quy định hiện hành).
- Đối với vùng trồng cây ăn quả, lấy mẫu theo TCVN 9017:2011. Quả tươi – Phương pháp lấy mẫu trên vườn sản xuất
- Đối với vùng trồng rau, hoa màu, lấy mẫu theo TCVN 9016:2011. Rau tươi – Phương pháp lấy mẫu trên ruộng sản xuất
8. Giám định
Giám định sinh vật gây hại thực vật bằng phương pháp quan sát, đo đếm đặc điểm hình thái ngoài, hình thái giải phẫu dưới kính lúp soi nổi và kính hiển vi hoặc phương pháp sinh học phân tử.
9. Kết quả kiểm tra, hoàn thiện thông tin và cấp mã số vùng trồng
Sau khi kết thúc việc kiểm tra thực địa và xác định thành phần sinh vật gây hại trong vùng trồng xin cấp mã
- Trường hợp 1: Đạt – Thông báo cho tổ chức/cá nhân số mã vùng trồng được cấp.
- Trường hợp 2: Cần bổ sung – Thông báo cho tổ chức/cá nhân bổ sung các thông tin còn thiếu sau khi đánh giá; Sau khi các thông tin được bổ sung đầy đủ sẽ tiến hành cấp mã số.
- Trường hợp 3: Không đạt – Thông báo cho tổ chức/cá nhân về việc không đủ điều kiện để cấp mã số.
10. Cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng
Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng.
Mã số vùng trồng phải được cấp trước mùa thu hoạch 90 ngày (đối với cây ăn quả) và 30 ngày (đối với cây rau, hoa màu).
11. Giám sát mã số vùng trồng đã được cấp
Mã số vùng trồng đã được cấp phải được kiểm tra và giám sát thường xuyên các tiêu chí:
- Tính đồng nhất về giống cây trồng,
- Diện tích và điều kiện canh tác
- Thành phần sinh vật gây hại,
- Kiểm tra sổ sách ghi chép: tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh đồng ruộng (chăm sóc, đốn tỉa…)
- An toàn vệ sinh thực phẩm.
Các tiêu chí này phải được cập nhật theo thời vụ.
Số lần kiểm tra giám sát:
Đối với vùng trồng cây ăn quả:
- Lần 1: Giai đoạn cây ra hoa
- Lần 2: Giai đoạn quả non
- Lần 3: Trước khi thu hoạch 20 – 25 ngày
Đối với vùng trồng rau, hoa màu: trước khi thu hoạch 07 ngày.
Nếu mã số vùng trồng không đáp ứng được các tiêu chí sẽ bị tạm dừng xuất khẩu; nếu khắc phục sẽ được kích hoạt trở lại ở vụ tiếp theo.